TIN CỦA HUYỆN TIN CỦA HUYỆN

Tuyên truyền đại hội dân tộc thiểu số - 2024
Publish date 20/09/2024 | 11:10  | Lượt xem: 66

Thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.329 km2, có 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn, dân số toàn Thành phố hiện nay gần 9 triệu người. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 107.847 người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người dân tộc Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%, dân tộc Dao 4,32%; còn lại là các dân tộc thiểu số (DTTS) khác.

     Đồng bào DTTS của Thành phố cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 05 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ với trên 55.000 người chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao, chiếm 51% người DTTS trong toàn Thành phố.

     Diện tích tự nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 33.458 ha, chiếm khoảng 10% diện tích toàn Thành phố, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay, 100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.

     Từ Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ III năm 2019 đến nay, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và Quyết tâm thư của Đại hội, Thành phố tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số; chăm lo củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững chắc. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hoá riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú, đa sắc, thống nhất trong nền văn hoá dân tộc Việt Nam, các dân tộc chung sống hoà thuận, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng chung tay xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, hiện đại.

     Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đặc biệt quan tâm và luôn xác định thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành từ Thành phố đến cơ sở với quan điểm “Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị” và nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

     Các sở, ban, ngành và các địa phương đã chủ động triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Thành phố giao. Ban Dân tộc Thành phố đã chủ động tham mưu với Thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn Thành phố, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và việc đánh giá sơ kết, tổng kết nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư và các chương trình, dự án. Các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở tổ chức thực hiện hiệu quả.

     Trong 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng tiếp tục dành được những thành tựu to lớn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được nâng cao, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế đã mang lại cho đất nước tiềm lực, vị thế ngày càng tăng. An ninh quốc phòng được giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội xác định việc thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

     Để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, Thành phố đã ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế với bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội.

     Thực hiện thúc đẩy tiêu thụ, xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá các sản phẩm của vùng đồng bào DTTS và miền núi, Sở Công Thương đã tổ chức 90 chuyến hàng đưa về đại lý các xã; giới thiệu 20 điểm bán sản phẩm OCOP như miến dong, gà đồi, chè, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa… tổ chức 02 phiên chợ Việt tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì; mời đại diện các đơn vị sản xuất hợp tác xã tham gia 15 hoạt động giao thương, hội chợ hàng Việt, hội chợ Tết; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia các hội chợ: Quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội, Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc, Hàng lưu niệm Thủ đô… Hiện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 9/13 xã có chợ, dự kiến sẽ xây mới 5 chợ, cải tạo nâng cấp 2 chợ. Ngoài ra, Sở Công thương đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, cải tạo 4 chợ, xây mới 5 chợ.  

     - Công tác giáo dục - đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Thành phố quan tâm đầu tư, hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô trong giai đoạn mới. Từ năm 2019-2024 Thành phố đã bố trí trên 4.555 tỷ đồng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở giáo dục trường công lập; hỗ trợ 63 tỷ đồng cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, gần 80% trường công lập (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) đạt chuẩn quốc gia. Hiện có 13.847 giáo viên đang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT) hàng năm đều đạt từ 85% trở lên; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đạt 100%, tỷ lệ học trung học phổ thông trên 90%. Chất lượng dạy và học được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp ngày càng cao. Định kỳ 2 năm/lần Ban Dân tộc Thành phố chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu.

     Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS đạt được kết quả rõ nét. Thành phố đã quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng Nhà văn hoá ở các thôn vùng DTTS trong danh mục các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện sâu rộng, qua đó góp phần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hoá. 

     Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số của Thành phố; tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Thành phố đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc, miền núi của Thủ đô; đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tôn vinh và biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu là đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập phát triển và bảo vệ Thủ đô, đất nước giai đoạn 2019-2024.

    Thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền Đại hội nhằm phổ biến đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân cũng như đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô về kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2019 - 2024; làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy được vị trí, vai trò, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập của Thủ đô và đất nước, qua đó tạo sự đồng thuận, nền tảng vững chắc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dẫn quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.